Giỏ hàng

VN-IPO attracted attention from foreign investors (National Institute for Finance - MOF 5.2018)

Hoạt động IPO hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

http://www.mof.gov.vn

(Dddn.vn) Tăng trưởng nền kinh tế cao và “làn sóng” niêm yết là những nguyên nhân chính hút dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư FDI tính đến cuối tháng 12/2017 đạt 32,9 tỷ USD, tăng 90% so với cuối năm 2016, theo giới phân tích chính điều này cũng đang tạo sức hút và quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư tại các thị trường phát triển như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, EU.

Nhu cầu IPO lớn

Theo đó, hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tính đến cuối năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong tất cả các sàn giao dịch với giá trị 28 nghìn tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 18,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Sang năm 2018, chỉ tính riêng tháng 1, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong tất cả các phiên giao dịch của tháng với tổng giá trị mua ròng đạt 7,2 nghìn tỷ đồng. Tính đến tháng 3/2018, con số này là 485 triệu USD, tương đương khoảng 40% so với con số 1,2 tỉ USD mua ròng của cả năm 2017.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch của Dragon Capital, một nhà quản lý quỹ hàng đầu Việt Nam cho biết: "Năm nay, lý do thị trường tăng điểm mạnh là do nhu cầu IPO rất lớn. Nguồn vốn chảy vào thị trường đến từ các tổ chức toàn cầu, vốn chỉ mới bắt đầu đầu tư vào Việt Nam".

Trong đó phải kể đến kế hoạch IPO chuỗi của hàng cà phê Highlands Coffee vào năm 2019 và niêm yết lên sàn chứng khoán Việt Nam của Jollibee Foods Corp đến từ Philippines.

Trước đó, năm 2017, công ty chuyên sản xuất dây thừng của Thái Lan là Siam Brothers cũng đã niêm yết trên sàn HoSE, và đã thu hút nhiều sự chú ý của giới đầu tư.

Sắp tới đây, được biết thị trường chứng khoán sẽ đón nhận một thành viên mới của khối FDI là Vietnam Fortress Tools, doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm làm vườn đến từ Đài Loan hiện chiếm thị phần thứ 2 thế giới. Tổng tài sản của Vietnam Fortress Tools tính đến năm 2017 đạt khoảng 1.193 tỉ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu 549 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong năm 2017 đạt 63 tỉ đồng, tăng 168% so với năm trước.

Cơ sở sản xuất của Fortress Tools tại Việt Nam bắt đầu kinh doanh khá hiệu quả từ năm 2016 khi nhận được đơn hàng từ các chuỗi bán lẻ như Walmart, Aldi, Lidl, Home Depot... nhờ chất lượng sản phẩm được đảm bảo và giá bán cạnh tranh. Sau khi đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thứ 2 vào năm nay, Fortress Tools dự kiến sẽ đầu tư thêm nhà máy thứ 3 chuyên sản xuất các dòng sản phẩm ngoại thất sân vườn, dụng cụ thể thao và đồ chơi bằng gỗ để đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thu mua hàng trăm triệu USD cho mỗi mặt hàng từ yêu cầu của các chuỗi bán lẻ.

Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán

Điều này cho thấy, các công ty nước ngoài không chỉ chọn Việt Nam là nơi sản xuất kinh doanh mà còn là nơi niêm yết cổ phần. Đây là một tín hiệu lạc quan, bởi lợi nhuận công ty làm ra sẽ được giữ lại trong nước và san sẻ với các cổ đông nội địa. Đồng thời, xu thế gia tăng niêm yết của các doanh nghiệp FDI cũng phản ánh sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán trong nước so với thị trường khác trong khu vực.

Niềm tin của giới đầu tư đến từ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và lợi nhuận làm ra của các doanh nghiệp đang khá sáng sủa. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm nay Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao 7,1% để trở thành nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực.

Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá. 

Các nhà phân tích cho rằng các nhà đầu tư đang bị thu hút vào Việt Nam bởi một câu chuyện gần giống với những gì đã xảy ra tại Trung Quốc. Chính phủ ngày càng thúc đẩy và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, hòa nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu và định vị chính nó như một trung tâm sản xuất cho giới đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, dù rằng giá của các cổ phiếu lớn nhất tại thị trường Việt Nam đã lên cao, triển vọng kinh tế dài hạn đầy hứa hẹn của Việt Nam cho thấy rằng thị trường rộng sẽ còn tăng trưởng trên diện rộng.

Ngoài ra, với quy mô thị trường vốn đạt trên 100% GDP, chỉ số VN- Index tăng 48% so với năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017, tăng cao nhất khu vực Châu Á chính vì vậy thị trường được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực...

Ngọc Hà

Về đầu trang